Bà Rịa – Vũng Tàu đang triển khai hàng loạt dự án hạ tầng kết nối đến cảng biển, sân bay quốc tế Long Thành nhằm tận dụng cơ hội vàng đón các nhà đầu tư.
Hạ tầng đồng bộ giúp Bà Rịa – Vũng Tàu “cất cánh”
Kể từ khi thành lập tỉnh vào năm 1991, Bà Rịa – Vũng Tàu luôn xác định giao thông đi trước mở đường để tạo động lực phát triển. Hiện nay, Bà Rịa – Vũng Tàu kết nối với thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) và các địa phương khác trong khu vực thông qua Quốc lộ 51, Quốc lộ 55, Quốc lộ 56.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 (Nghị quyết 09-NQ/ĐH ngày 25/9/2020) đã xác định, đầu tư hạ tầng giao thông đa phương thức, kết nối liên vùng, khu vực và quốc tế nhằm tăng năng lực khai thác cụm cảng Cái Mép – Thị Vải. Vì vậy, đầu tư hạ tầng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mang tính đột phá để Bà Rịa – Vũng Tàu “cất cánh”.
Thông tin đến các nhà đầu tư tại Hội nghị đối thoại giữa UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với các hiệp hội và doanh nghiệp nước ngoài diễn ra ngày 31/8/2022, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tỉnh đang tập trung triển khai các thủ tục để khởi công tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (đoạn đi qua địa bàn tỉnh) vào tháng 4/2023, dự kiến hoàn thành vào năm 2025.
Tỉnh cũng đang làm các thủ tục để triển khai tuyến Vành đai 4, TP.HCM đoạn đi qua Bà Rịa – Vũng Tàu (dài 18 km) để kết nối với TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2025.
Tuyến đường liên cảng, kết nối cụm cảng Cái Mép – Thị Vải với cao tốc Bến Lức – Long Thành cũng đang được tỉnh tập trung đầu tư. Cầu Phước An chuẩn bị được khởi công để hoàn thành vào năm 2025.
Ngoài ra, Dự án sân bay quốc tế Long Thành liền kề Bà Rịa – Vũng Tàu đang thi công nhiều hạng mục. Dự kiến đến cuối năm 2025, sân bay này sẽ đưa vào khai thác.
Cùng với việc đầu tư các dự án hạ tầng liên kết vùng, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu còn chủ động đầu tư một số tuyến đường trọng điểm như đường 991B, đường Phước Hòa – Cái Mép, đường vào Khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn, đường Long Sơn – Cái Mép, đường ĐT992 đoạn từ Quốc lộ 51 đến đường Vành đai 4 TP.HCM…
Về hàng không, Bà Rịa – Vũng Tàu hiện có 2 sân bay. Trong đó, Sân bay Côn Đảo đang khai thác các đường bay thẳng đến và đi từ các tỉnh, thành phố gồm TP.HCM, Cần Thơ, Hà Nội, Vinh, Hải Phòng. Sân bay này đã được phê duyệt đầu tư mở rộng để đạt công suất 2 triệu lượt khách/năm (gấp 5 lần hiện nay), dự kiến sẽ khởi công trong năm 2023. Trong thời gian tới, Sân bay Vũng Tàu phục vụ bay dầu khí và phục vụ một số chuyến bay ra Côn Đảo sẽ được di dời sang khu vực Gò Găng và đầu tư xây mới sân bay Đất Đỏ…
Về đường thủy, Bà Rịa – Vũng Tàu sở hữu hệ thống luồng hàng hải kết nối với các tuyến hàng hải quốc tế đến tất cả các nước có cảng biển trên thế giới. Ngoài ra, hệ thống đường thủy nội địa kết nối đồng bộ với các tuyến luồng hàng hải Vũng Tàu – Thị Vải, luồng sông Dinh và dễ dàng kết nối với các tỉnh, thành phố khác trong khu vực.
Đặc biệt, Bà Rịa – Vũng Tàu có 50 dự án cảng đang hoạt động với tổng chiều dài cầu bến là 16.958 m, tổng công suất thiết kế 150 triệu tấn/năm, trong đó có 8 dự án cảng container lớn với công suất 8,3 triệu TEU/năm. Cụm cảng Cái Mép là một trong 19 cảng lớn của thế giới đón được siêu tàu.
Ngoài ra, trong quy hoạch, Bộ Giao thông – Vận tải đã đưa tuyến đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu vào nghiên cứu để đầu tư cho giai đoạn 2025-2030. Việc kết nối đường sắt đến cảng Cái Mép – Thị Vải sẽ tạo mạng lưới đường sắt liên tỉnh rất thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa đến cảng này.
Cơ hội vàng để thu hút đầu tư
Có thể nói, Bà Rịa – Vũng Tàu đang có rất nhiều lợi thế về hạ tầng, khi hội tụ đủ tiềm năng phát triển tất cả các loại hình giao thông đường bộ, đường không, đường thủy, đường sắt và là một điểm trung chuyển đi các nơi trong nước và thế giới.
Theo ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đến năm 2025, một loạt dự án trọng điểm tại Bà Rịa – Vũng Tàu như cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, cầu Phước An và một số tuyến quốc lộ nội tỉnh, cộng với các dự án lân cận như sân bay Long Thành, cao tốc Bến Lức- Long Thành sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho việc vận chuyển hàng hóa từ Bà Rịa – Vũng Tàu đi các tỉnh và ngược lại, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế – xã hội của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Với việc đầu tư hàng loạt dự án hạ tầng giao thông trọng điểm mang tính liên kết vùng, các doanh nghiệp cho rằng, đây là cơ hội vàng để đầu tư vào Bà Rịa – Vũng Tàu.
Ông Huỳnh Văn Trường, Tổng giám đốc Công ty TNHH Huỳnh Gia đánh giá, giao thông nội tỉnh của Bà Rịa – Vũng Tàu về cơ bản rất tốt, nhưng các tuyến đường huyết mạch nối với Đồng Nai đi TP.HCM như Quốc lộ 51 luôn tắc nghẽn do quá tải, nên cụm cảng Cái Mép -Thị Vải chưa khai thác hết tiềm năng. Các tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu và cầu Phước An cần phải khẩn trương đầu tư để giúp Bà Rịa – Vũng Tàu kết nối thông suốt với các tỉnh khác.
“Dư địa đầu tư ở Bà Rịa – Vũng Tàu rất lớn. Khi hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, nhà đầu tư sẽ thấy rất nhiều cơ hội đầu tư bất động sản, các dự án logistics, các dự án du lịch và giáo dục, y tế. Đây là cơ hội vàng cho Bà Rịa – Vũng Tàu thu hút đầu tư”, ông Trường nói.
Tin tức liên quan:
Thủ tướng điện hỏa tốc yêu cầu thống đốc ngân hàng chỉ đạo cung ứng vốn cho nền kinh tế
Thủ tướng chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản
Dự báo 2 kịch bản bất động sản 2023, hé lộ thời điểm thị trường ấm lên
Mở rộng đường ven biển Vũng Tàu – Bình Châu lên 6 làn xe
Bà Rịa-Vũng Tàu: Khẳng định tiềm năng, nâng tầm hội nhập
Bán Đất 132,1m2 Đường Quy Hoạch Số 02 Trung Tâm Thị Trấn Đất Đỏ
Bán Đất Sào 1255m2 Xã Bình Trung – Huyện Châu Đức
Bán Đất Nền Long Mỹ Ven Biển Phước Hải 1124,7m2 Đầu Tư Nghỉ Dưỡng
Bán 3 Lô Đất Sào Đầu Tư Nghỉ Dưỡng Gần Hồ Suối Môn, KCN Đất Đỏ
Bán Đất Thị Trấn Đất Đỏ 100m2 Đường Lưu Chí Hiếu – Giá Đầu Tư Tốt